Trang chủ / Thông tin tuyển sinh / Cập nhật tổ hợp xét tuyển trong tuyển sinh đại học 2025

Cập nhật tổ hợp xét tuyển trong tuyển sinh đại học 2025

Tuyển sinh đại học 2025 mở ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới, đem lại cơ hội đa dạng cho thí sinh. Tuy nhiên, sự linh hoạt này cũng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng đào tạo.

Năm 2025 đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc học sinh sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Theo chia sẻ của các em học sinh trường THPT TP.HCM, sự xuất hiện của nhiều tổ hợp tuyển sinh mới, mở ra cơ hội lớn cho các em nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi thí sinh phải nghiên cứu kĩ các tổ hợp trước khi quyết đinh.

Trước đây, các trường đại học chỉ được phép sử dụng tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển cho mỗi ngành học. Tuy nhiên, Bộ GDĐT đã quyết định không còn giới hạn số lượng tổ hợp môn, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học linh hoạt hơn trong việc thiết kế các tổ hợp tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc tham gia xét tuyển vào các trường đại học.

Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có sự thay đổi lớn trong cấu trúc môn thi. Thí sinh sẽ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, cùng với 2 môn tự chọn trong danh sách 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Sự thay đổi này tạo ra tới 36 tổ hợp môn có thể sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học. Nhờ đó, nhiều trường đã điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với số lượng và chủng loại môn thi trong kỳ thi năm nay. Các môn học mới, như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ, lần đầu tiên được đưa vào các tổ hợp môn xét tuyển.

Với những thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ hội phát huy quyền tự chủ trong việc xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với đặc thù ngành học. Chẳng hạn, một số trường đã bổ sung tổ hợp K01 (Toán, Văn kết hợp với Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Tin học), và tổ hợp D04 (Toán, Văn, tiếng Trung). Một số trường đại học khác cũng đưa ra các tổ hợp mới như Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học. Ngoài ra, một số trường dự kiến xét tuyển với các tổ hợp mới liên quan đến các môn Công nghệ, Tin học và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, phục vụ các ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin…

Giảng viên trường CĐ Dược Sài Gòn cho biết, mặc dù vậy, sự thay đổi trong các tổ hợp xét tuyển cũng đã tạo ra không ít lo ngại. Một số tổ hợp tuyển sinh gây ra nhiều băn khoăn khi không phù hợp với đặc thù ngành học. Việc một số trường tuyển sinh các ngành như Nông – Lâm – Ngư hay Y Dược nhưng lại không yêu cầu môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển cũng khiến nhiều người lo ngại về sự thiếu sót trong kiến thức nền tảng của thí sinh. Những lo ngại này cho thấy, mặc dù sự đa dạng tổ hợp môn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho thí sinh, nhưng cũng cần đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các môn thi và yêu cầu thực tế của từng ngành học.

Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, Bộ GDĐT cũng đã đưa ra một số quy định nhằm kiểm soát chất lượng và phù hợp với các ngành đào tạo. Các tổ hợp môn xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn, trong đó có ít nhất một môn Toán hoặc Ngữ văn, và trọng số của các môn này phải chiếm ít nhất 25% tổng điểm xét tuyển. Từ năm 2026, yêu cầu này sẽ được nâng lên với các môn chung trong tổ hợp xét tuyển đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục đại học sẽ tuyển sinh theo tổ hợp phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu của từng chương trình. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục đưa ra các hướng dẫn cụ thể để các trường lựa chọn tổ hợp môn thi sao cho phù hợp với yêu cầu của ngành học, bảo đảm chất lượng và sự thành công của thí sinh trong suốt quá trình học tập.

Với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy định tuyển sinh đại học, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường đại học cần xây dựng các tổ hợp xét tuyển khoa học và phù hợp với từng ngành học, tránh tình trạng “mở rộng quá mức” dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *