Ngữ Văn là một trong những môn khiến nhiều học sinh lo lắng trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới với khối lượng kiến thức rộng. Vậy làm thế nào để làm tốt tất cả các phần từ đọc hiểu, viết đoạn văn đến nghị luận văn học trong bài thi?
- ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào ngày 14/07
- Trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Du Lịch Sài Gòn tuyển Sinh 2019
- ĐH Hutech mở đăng ký học bạ cho 40 ngành đào tạo từ 2/5
Bí quyết ôn thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc gia đạt điểm cao
Nắm chắc lý thuyết, tránh lan man
Cô giáo Nguyễn Thị Tuấn Anh, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Tĩnh Gia 1 (Thanh Hóa) cho biết: Đề thi THPTQG gồm 3 phần.
Đối với phần Đọc hiểu, HS cần phải biết phần này sinh ra nhằm mục đích kiểm tra năng lực đọc và hiểu của người đọc. Các em cần đọc kĩ ngữ liệu để nắm được nội dung chủ đề. Có thể lý giải được những vấn đề đặt ra trong văn bản và bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề. Các em cũng cần nắm chắc kiến thức về tiếng Việt và làm văn để vận dụng vào việc đọc hiểu sâu sắc văn bản. Trả lời các câu hỏi đặt ra một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, tránh lan man dài dòng.
Trong một đề có 4 câu hỏi thì mức độ khó sẽ chia đều ra: Nhận biết – thông hiểu – vận dụng.
Tuy nhiên, ngân hàng câu hỏi và kiến thức vô cùng nhiều. Người học buộc phải biết những câu hỏi nào thường gặp, câu hỏi nào thì ít gặp để từ đó xác định trọng tâm ôn luyện hiệu quả nhất.
Cùng chung quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) cho rằng: Để đạt được điểm tối đa phần đọc – hiểu, HS cần trang bị cho mình các thao tác đọc và nhận diện, tìm kiếm và suy nghĩ về vấn đề trong đoạn trích hoặc văn bản, kết nối được cảm nhận, cảm xúc, suy nghĩ của người đọc với tác giả. Đặc biệt, thí sinh cần ôn kĩ các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt, các phép tu từ, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật… Từ đó, thí sinh sẽ có cơ hội đạt điểm tối đa phần này.
Giải thích ngắn gọn
Đối với phần Nghị luận xã hội, cô Nguyễn Thị Tuấn Anh cho biết: Thông thường đề yêu cầu HS viết đoạn, không viết thành bài, dung lượng từ 2/3 đến 1 trang giấy thi. Đoạn văn phải đầy đủ các phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Vấn đề nghị luận được lấy từ văn bản phần đọc hiểu nên phải đọc kĩ và hiểu thấu đáo văn bản đọc hiểu.
Trong đề thi, đối với câu viết đoạn, thí sinh cần nắm được các dạng đoạn văn thường gặp như nghị luận về một đạo lý, hiện tượng xã hội, thông điệp rút ra từ văn bản đọc hiểu.
Chẳng hạn, đối với đoạn văn nghị luận về một hiện tượng đời sống (xã hội), thí sinh chỉ cần trả lời những câu hỏi sau: Vấn đề đó đang diễn ra như thế nào? Nó ảnh hưởng tốt hay xấu đến đời sống, xã hội? Nguyên nhân của vấn đề là gì? Kết quả hoặc hậu quả của vấn đề? Có cách nào để cải thiện hoặc phát triển thêm hay không?
Đối với đoạn văn nghị luận về một thông điệp gợi ra từ ngữ liệu (đoạn trích) phần đọc hiểu, học sinh cần lựa chọn thông điệp trước khi bàn luận. Mà trong một ngữ liệu (đoạn trích) phần đọc hiểu có thể có nhiều thông điệp. Do vậy, học sinh cần giải thích ngắn gọn: Dựa trên cơ sở nào mà chọn thông điệp đó, tiếp đó trả lời câu hỏi Tại sao? Nếu ngược lại thì như thế nào? và rút ra bài học cho bản thân.
Để thi tốt môn Ngữ Văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức và làm văn để vận dụng
Tìm hiểu sâu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong mỗi tác phẩm
Phân tích về đề thi THPTQG, cô Nguyễn Thị Tuyết cho rằng: Câu nghị luận văn học trong đề thi Ngữ văn luôn là thách thức lớn đối với mọi học sinh, vừa đòi hỏi sự sâu chuỗi những giá trị của tác phẩm với kiến thức lý luận văn học, vừa đòi hỏi sự thấu hiểu ở cả nội dung và nghệ thuật thể hiện của tác phẩm đó. Để hoàn thành mục tiêu đạt điểm 8, 9 trong bài thi môn Ngữ văn, đòi hỏi học sinh phải đạt từ mức điểm 4/5 đối với phần đề bài này.
Thời gian này các em cần ôn lại nội dung, nghệ thuật của các tác phẩm trong SGK Ngữ văn 12. Nắm được ý chính, chủ đề của tác phẩm. Đối với văn xuôi phải thuộc dẫn chứng, nội dung bài; thơ thì phải thuộc bài, nét nghệ thuật đặc sắc từng bài thơ. Thường xuyên đọc văn và bài văn mẫu để tăng vốn từ vựng. Thường xuyên làm văn để luyện viết.
Đối với phần nghị luận văn học, để làm bài tốt, cô Nguyễn Thị Tuấn Anh cũng cho rằng: HS cần nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm (chủ yếu chương trình lớp 12). Tìm hiểu sâu những chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong mỗi tác phẩm. Rèn luyện kĩ năng so sánh, liên hệ. Có khả năng đánh giá, bình luận về vấn đề.
Với đề văn nghị luận văn học thường là nghị luận về một đoạn thơ/bài thơ (nhất là nghị luận về một đoạn trích thơ); Nghị luận về một đoạn trích/tác phẩm văn xuôi (nghị luận về một đoạn trích /nhân vật/chi tiết/tình huống truyện…); Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; Nghị luận về một khía cạnh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Để đạt kết quả tốt nhất ở câu nghị luận văn học, trong quá trình ôn tập, HS cần biết nhóm các tác phẩm (cả khía cạnh nội dung tác phẩm) theo đề tài, chủ đề, giai đoạn văn học, theo tác giả, khuynh hướng (lãng mạn, hiện thực, sử thi…), trào lưu, theo thể loại (trữ tình – tự sự – kịch – nghị luận)…
Cách ôn tập theo cách nhóm các tác phẩm không chỉ để phục vụ cho dạng đề liên hệ, so sánh mở rộng theo định hướng đề minh họa mà còn để làm tốt các dạng đề khác.
Khi viết bài, cần xây dựng bố cục chặt chẽ, thậm chí có thể phác thảo dàn ý trước khi làm để tránh lạc đề. Cách trình bày bài văn cũng quan trọng, không nên gạch xóa nhiều trong bài gây mất thiện cảm với người chấm. Cố gắng viết chữ đẹp nếu có thể, còn không thì chữ viết cũng phải sạch sẽ dễ đọc, tuyệt đối không viết tắt. Môn Văn chấm cả điểm trình bày. – Cô Nguyễn Thị Tuyết.
Nguồn: thptquocgia.com