Trang chủ / Thông tin tuyển sinh / Học Viện Âm Nhạc Huế công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019

Học Viện Âm Nhạc Huế công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019

Trường Học Viện Âm nhạc Huế công bố thông tin tuyển sinh đại học năm 2019, theo đó trường tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp tổ chức thi tuyển các môn Năng khiếu, thi tuyển môn Ngữ văn.

Học viện Âm nhạc Huế công bố chỉ tiêu tuyển sinh 2019

Học viện Âm nhạc Huế được thành lập ngày 08/11/2007, trụ sở chính của trường được đặt tại Cố đô Huế, đây là một trong 3 trường đào tạo âm nhạc bậc đại học tại Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn phấn đấu để xây dựng Học viện thành một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và biểu diễn âm nhạc chuyên sâu chất lượng cao. Ngoài ra, Học viện cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục của xã hội và nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh, sinh viên.

Học viện Âm nhạc Huế là đơn vị sự nghiệp giáo dục, có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị Âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản Âm nhạc được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên… đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực Âm nhạc ở bậc trung học, đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, biểu diễn Âm nhạc, góp phần giữ gìn và phát triển nền Âm nhạc Việt Nam mà trực tiếp là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tiếp tục thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực âm nhạc ở trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học có chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, biểu diễn các loại hình âm nhạc, tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới; phát huy các giá trị di sản âm nhạc đặc trưng nhằm đáp ứng sự nghiệp bảo tồn, phát triển nghệ thuật âm nhạc của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Năm 2019, Học Viện Âm Nhạc Huế thông báo tuyển sinh đại học các ngành nghề đào tạo cụ thể bên dưới.

Trường Học Viện Âm Nhạc Huế công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019

2.1. Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề.

2.2. Phạm vi tuyển sinh: Tuyển sinh trên phạm vi cả nước.

2.3. Phương thức tuyển sinh: Kết hợp thi tuyển và xét tuyển;

Ghi chú: Kết hợp tổ chức thi tuyển các môn Năng khiếu và xét tuyển, thi tuyển môn Ngữ văn

2.4. Chỉ tiêu tuyển sinh:

2.5. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận ĐKXT:

2.5.1. Điều kiện dự thi

Điều kiện dự thi theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục Đào tạo và có trình độ tốt nghiệp Trung cấp âm nhạc hoặc tương đương.

2.5.2. Điều kiện để xét trúng tuyển

– Điểm ngưỡng xét tuyển môn Ngữ văn: 5.0 điểm trở lên.

Điểm xét tuyển môn Ngữ văn là điểm điều kiện, không tính vào tổng điểm của thí sinh.

– Điểm ngưỡng các môn năng khiếu (chưa nhân hệ số) như sau:

+ Điểm ngưỡng môn Ký xướng âm ngành Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc; và Xướng âm cho các ngành còn lại là 5.0 điểm.

+ Đối với các ngành Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Piano, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống: môn chuyên ngành từ 7.0 điểm trở lên.

+ Đối với ngành Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc: môn chuyên ngành từ 6.0 điểm trở lên; Các môn Hòa âm, Piano từ 5.0 điểm trở lên.

– Chỉ xét tuyển những thí sinh nộp đăng ký xét tuyển vào Học viện với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đúng quy định;

– Nguyên tắc xét tuyển chung: Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, căn cứ điểm thi năng khiếu của thí sinh, Hội đồng tuyển sinh của Học viện xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành đào tạo, trong đó điểm môn Ngữ văn và các môn năng khiếu theo mục 2.5.2.

– Tổng điểm: gồm điểm thi các môn Năng khiếu cộng lại, trong đó môn Chuyên ngành của các ngành hệ số 2, cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có).

– Ngưỡng đảm báo chất lượng:

+ Ngưỡng điểm xét tuyển các ngành Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Piano, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống: tổng điểm 19.0 điểm.

    + Ngưỡng điểm xét tuyển các ngành Âm nhạc học, Sáng tác âm nhạc: tổng điểm 27.0 điểm.

2.5.3. Xét tuyển thẳng

– Thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Điểm môn Ngữ văn thực hiện theo mục 2.5.2

– Hội đồng tuyển sinh có thể kiểm tra bổ sung (tùy theo đối tượng).

2.6. Các thông tin cần thiết khác để thí sinh ĐKXT vào các ngành của trường:

Thông tin tuyển sinh của Học viện được thể hiện chi tiết trong Thông báo tuyển sinh bao gồm: tên trường, ký hiệu trường, địa chỉ liên hệ, trình độ đào tạo, ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, môn thi, thời gian thi, vùng tuyển và các thông tin khác liên quan khác…

– Mã trường:  HVA

– Mã số ngành:

            + Ngành Âm nhạc học:  7210201

            + Ngành Sáng tác âm nhạc:  7210203

            + Ngành Thanh nhạc:   7210205

            + Ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây: 7210207

            + Ngành Piano: 7210208

            + Ngành Biểu diễn nhạc cụ tuyền thống: 7210210

– Hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh tải xuống từ trang thông tin điện tử: www.hocvienamnhachue.edu.vn

2.7. Tổ chức tuyển sinh:

2.7.1. Thời gian thi tuyển: gồm 2 đợt thi

+ Đợt 1: từ ngày 17/7 đến 18/7/2019

+ Đợt 2: từ ngày 18/9 đến 19/9/2019

– Địa điểm: Học viện Âm nhạc Huế, Số 01 Lê Lợi, Thành phố Huế.

2.7.2. Hình thức nhận hồ sơ đăng kí dự thi của thí sinh

– Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT theo 1 trong 2 phương thức:

         + Nộp trực tiếp hồ sơ ĐKDT tại Phòng Đào tạo – Học viện Âm nhạc Huế.

 + Gửi qua đường bưu điện (thí sinh không để lệ phí tuyển sinh vào bìa đựng hồ sơ. Lệ phí được gửi bằng hình thức chuyển tiền qua đường Bưu điện).

Hồ sơ thí sinh cần nộp:

1. Một bìa đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (theo mẫu đăng tải trên Website của Học viện Âm nhạc Huế). Mặt sau bìa đựng hồ sơ và 2 phiếu dự thi có in những hướng dẫn cần thiết cho việc đăng ký dự thi. Bìa hồ sơ có dán ảnh, đóng dấu giáp lai vào ảnh, ký tên, đóng dấu và xác nhận của Ban Giám hiệu Trường (nếu là HSSV đang học), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (nếu là cán bộ, nhân viên, công an, quân nhân đang công tác) hoặc Công an Phường, Xã địa phương (nếu là thí sinh tự do).

2. Ba ảnh cỡ 3×4 (ảnh chụp không quá 3 tháng), sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh.

3. Bản sao học bạ trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận điểm môn văn lớp 10, 11, 12 hoặc điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nếu chọn kết quả thi tốt nghiệp làm điểm xét tuyển Ngữ văn.

4. Một trong các loại văn bằng sau: bằng THPT, bổ túc THPT hoặc bằng Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng (tất cả các loại giấy tờ trên đều phải công chứng).

5. Bản sao (có công chứng) giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có).

6. 3 phong bì dán sẵn tem, ghi địa chỉ nơi nhận.

* Thí sinh mới tốt nghiệp năm 2018:

– Ngoài các loại giấy tờ qui định ở mục 1, 2, 3, 5, 6 khi nộp hồ sơ, thí sinh cần nộp thêm Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời vào ngày tập trung làm thủ tục dự thi, bao gồm các trường hợp chọn kết quả thi tốt nghiệp làm điểm xét tuyển Ngữ văn.

* Đối với trường hợp xét tuyển thẳng thí sinh cần nộp:

– Hồ sơ ĐKDT theo mẫu của Học viện Âm nhạc Huế);

– Ba ảnh cỡ 3×4 (ảnh chụp không quá 6 tháng), sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh.

– Bản sao (có công chứng) học bạ Trung học phổ thông (hoặc giấy chứng nhận điểm môn văn lớp 10, 11, 12) hoặc giấy chứng nhận điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (để xét tuyển môn Ngữ văn);

– Bản sao (có công chứng) giấy chứng nhận hoặc bằng khen của thí sinh đoạt giải (cá nhân) trong các kỳ thi âm nhạc chuyên nghiệp cấp quốc tế liên quan đến ngành xét tuyển.

– 3 phong bì dán sẵn tem, ghi địa chỉ nơi nhận.

2.7.3. Thời gian thu nhận hồ sơ

– Đợt 1: từ tháng 4/2019 đến hết ngày 12/6/2019 (qua dấu bưu điện), đến hết ngày 18/6/2019 (nộp trực tiếp tại Học viện).

– Đợt 2: từ 08/7/2019 đến hết ngày 16/8/2019 (qua dấu bưu điện), đến hết ngày 21/8/2019 (nộp trực tiếp tại Học viện).

2.7.4. Các môn thi tuyển và xét tuyển

– Các môn thi năng khiếu cho từng ngành:

+ Các ngành Âm nhạc học, Sáng tác Âm nhạc thi môn: Ký xướng âm, Hòa âm, Piano, Chuyên ngành;

+ Các ngành Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ Phương Tây, Piano, Biểu diễn nhạc cụ Truyền thống thi môn: Xướng âm, Chuyên ngành.

– Hình thức xét tuyển, thi tuyển môn Ngữ văn:

Thí sinh chọn một trong 2 hình thức sau:

a/ Điểm xét tuyển môn Ngữ văn được lấy từ kết quả điểm tổng kết (trung bình cộng) lớp 10, 11, 12 hoặc điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, do thí sinh chọn một trong hai kết quả. Đối với những thí sinh chỉ có bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp (trong đó có những môn học văn hóa) sẽ xét theo phương thức lấy điểm trung bình chung của môn Ngữ văn của các năm học trung cấp.

Đối với các trường hợp thí sinh mất học bạ phải có giấy chứng nhận của cấp có thẩm quyền xác nhận kết quả học tập môn Ngữ văn 3 năm lớp 10, 11, 12.

Thí sinh nộp học bạ trung học phổ thông, giấy chứng nhận kết quả thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hoặc phiếu điểm ghi kết quả học tập môn Ngữ văn đối với các trường hợp thí sinh học Trung cấp chuyên nghiệp (nộp bản công chứng, chậm nhất vào ngày đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh) để Ban thư ký làm căn cứ tính điểm môn Ngữ văn.

b/ Thí sinh thi môn Ngữ văn, thời gian 120 phút, hình thức tự luận. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Nguồn: thptquocgia.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *