Trang chủ / Thông tin tuyển sinh / Bí kíp phát hiện bẫy trong đề thi sinh học THPT quốc gia

Bí kíp phát hiện bẫy trong đề thi sinh học THPT quốc gia

Khi ôn tập và rèn luyện đề thi THPT quốc gia học sinh cần chú ý đến những câu dạng bẫy trong phần vận dụng hoặc vận dụng cao, dưới dây ban biên tập Trường Cao đẳng Y dược Pasteur xin giới thiệu một số mẹo để thoát những bẫy này.

Học sinh xem danh sách phòng thi THPT quốc gia năm 2019

Bí kíp phát hiện bẫy trong đề thi sinh học THPT quốc gia

Cụ thể theo mô hình đề thi tham khảo của Bộ, số lượng câu hỏi ở phần Vận dụng và vận dụng cao chiếm khoảng 25%. Các câu hỏi Vận dụng và vận dụng cao thường rơi vào các chuyên đề: Cơ chế di truyền và biến dị, Quy luật di truyền, di truyền quần thể và di truyền người. Đối với từng chuyên đề, học sinh cần có những phương pháp ôn tập khác nhau. Do đó khi ôn các em cũng cần đề ý đến phần này.

Ví dụ cụ thể:

1. Đối với chuyên đề Cơ chế di truyền và biến dị

Các em cần nắm chắc kiến thức về cấu trúc và chức năng của các đại phân tử sinh học: ADN, ARN, protein. Nắm chắc các cơ chế di truyền ở cấp độ phân tử: Tự sao, phiên mã, dịch mã và điều hòa biểu hiện gen. Luyện tập kỹ lưỡng các dạng bài tập tính toán “A, T, G, X” và các vấn đề liên quan cũng như các dạng bài tập mã di truyền. Nắm chắc cấu trúc và chức năng của NST, cơ chế của nguyên phân, giảm phân; các vấn đề biến dị: thường biến, biến dị tổ hợp, đột biến gen, đột biến NST và các dạng bài tập liên quan.

2. Đối với Quy luật di truyền

Các em nghiên cứu thật kỹ dạng toán phối hợp các quy luật di truyền: Dấu hiệu nhận diện, cách giải và các dạng bài toán phụ phổ biến.

3. Đối với Di truyền quần thể

Chú trọng ôn luyện cấu trúc di truyền của quần thể và sự tác động của các nhân tố tiến hóa lên quần thể.

4. Đối với Di truyền người

Nghiên cứu kỹ dạng bài toán phả hệ và các vấn đề liên quan và luyện thật kỹ kĩ thuật giải phả hệ và phối hợp tính xác suất trong phả hệ.

Cảnh giác cao với những câu hỏi dễ “đánh bẫy” 

Theo chia sẻ của giảng viên Trường THPT Sài Gòn Trong đề thi THPT quốc gia đối với môn Sinh học nếu muốn điểm cao và đỗ Đại học, các em học sinh cần chú ý những câu hỏi cực khó thuộc 2 dạng chủ đạo: Bài tập phả hệ và bài tập phối hợp các quy luật di truyền. Thông thường, phần thi này dễ “đánh lạc hướng”, mà các thầy luyện thi thường gọi hài hước là “đánh bẫy” học sinh thông qua việc: Xác định quy luật di truyền phối hợp từ các dấu hiệu; Tính số kiểu gen, kiểu hình ở đời con; Tính toán xác suất xuất hiện các kiểu gen và các kiểu hình ở đời con.

Ví dụ: Một loài thực vật lưỡng bội có alen A chi phối kiểu hình trội trội hoàn toàn so với alen a chi phối kiểu hình lặn. Một nhóm các cây cho phấn có tỉ lệ kiểu gen (1/4AA: 3/4Aa) lai với một số cây có tỉ lệ kiểu gen (1/3AA: 2/3Aa) được các hạt đời F1. Xác suất gieo 2 hạt F1 thu được 2 cây đều mang kiểu hình trội là:

A. 63/64                      B. 49/64                      C. 15/96                      D. 25/32

Đối với câu hỏi này, rất nhiều học sinh sẽ mắc bẫy tính tỉ lệ giao tử rồi tính ra kết quả theo công thức: (5/8A: 3/8a)(2/3A: 1/3a), tỉ lệ kiểu hình lặn ở đời con 3/8 x 1/3 = 1/8aa, kiểu hình trội = 7/8 và tỉ lệ 2 cây có kiểu hình trội = (7/8)2 = 49/64, đáp án B.

Học sinh ôn tập ở nhà để tránh dịch

Tuy nhiên, đây là một cái bẫy vì không thể tính xác suất bố, mẹ hai lần trong cùng 1 phép lai được và do đó cách tính trên sẽ đi đến kết quả sai.

Để giải quyết bài này, các thí sinh cần dùng kĩ thuật tách phép lai: (1/4AA: 3/4Aa)(1/3AA: 2/3Aa). Kết quả cần tìm = 1/4 x 1/3 x 1 x 1 + 1/4 x 2/3 x 1 x 1 + 3/4 x 1/3 x 1 x 1 + 3/4 x 2/3 x 3/4 x 3/4 = 25/32

Để không bị mắc các lỗi sai ở phần câu hỏi cực khó, các em cần phải nắm chắc quy luật tính xác suất.

Ngoài ra, học sinh thường bị mất điểm đáng tiếc ở nhiều câu hỏi dễ vì tâm lý chủ quan hoặc không để ý đến các dấu hiệu bẫy trong câu hỏi.

Ví dụ. Ở một loài thực vật, màu sắc hoa chi phối bởi một cặp alen A và a; màu sắc quả được chi phối bởi một locus 2 alen B và b. Phép lai AaBb x AaBb sẽ tạo ra ở đời con tối đa bao nhiêu loại kiểu hình?

A. 9                              B. 3                              C. 4                             D. 6

Ở câu này, nhiều học sinh sẽ dính bẫy đáp án C. Nhưng thực tế, mỗi locus có thể có 3 kiểu hình nếu các alen trội – lặn không hoàn toàn. Số loại kiểu hình thực tế là 3 x 3 = 9 kiểu hình.

Đối với các thí sinh đặt mục tiêu thi môn Sinh học chỉ để xét tốt nghiệp THPT trong Kỳ thi THPT quốc gia trong năm nay , các em cần tập trung làm chắc chắn ở 20 câu hỏi đầu tiên (chủ yếu ở mức nhận biết) và cố gắng làm tốt ở 10 câu hỏi tiếp theo.

Sau đó, có thể chọn ngẫu nhiên ở 10 câu hỏi cuối cùng. Tuy nhiên, đối với các thí sinh thi môn Sinh học để xét tuyển vào Đại học, mục tiêu của các em sẽ quyết định chiến thuật làm bài. Nếu mong muốn điểm 9+, các em không thể để rơi rụng điểm từ 30 câu đầu và cố gắng làm 30 câu đầu trong thời gian ít hơn 20 phút, còn lại 10 câu cuối dồn toàn bộ tâm sức để giải quyết trong 30 phút cuối cùng của thời gian làm bài. Chuẩn bị tốt về kiến thức và kĩ năng, có chiến thuật làm bài tốt các em sẽ gặt hái thành công.

Tổng hơp kỳ thi thpt quốc gia và thông tin tuyển sinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *